"Đang tải dữ liệu..."

Xử lý khoản nợ chưa thu hồi của doanh nghiệp giải thể

Trong những năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm tê liệt thị trường kinh tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo thống kê của Cơ quan Đăng ký kinh doanh, tháng 01/2022, dưới tác động của dịch bệnh, có 38.364 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể trong tháng 01/2022, tăng 49,0% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 29.255 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 76,3% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường… Trước quyết định phải giải thể doanh nghiệp trong bối cảnh tiến thoái lưỡng nan, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn còn loay hoay khi không biết, các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp sẽ xử lý như thế nào khi tư cách pháp nhân của doanh nghiệp không còn. Pháp luật hiện nay quy định rất rõ về khoản nợ phải trả mà doanh nghiệp trước khi giải thể có nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, về các khoản nợ phải thu thì pháp luật chưa quy định thực sự rõ ràng. Vậy làm thế nào để thu hồi các khoản nợ khi doanh nghiệp giải thể? Trong bài viết này, PP-MBN sẽ cung cấp cho bạn những quy định pháp lý liên quan đến vấn đề này.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020;
  • Bộ luật Dân sự năm 2015.

II. NỘI DUNG

  1. Doanh nghiệp đã giải thể có thu hồi được nợ hay không?

Khoản nợ phải thu thông thường là tiền và/hoặc tài sản khác, và về bản chất, chính là một tài sản của doanh nghiệp. Một khi xác định là tài sản của doanh nghiệp thì các tổ chức, cá nhân góp vốn trong doanh nghiệp đều sẽ có quyền đối với tài sản tương ứng với phần vốn góp của mình trong doanh nghiệp đó. Tùy loại hình doanh nghiệp mà khoản nợ phải thu (tài sản) đó sẽ thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân,  chủ sở hữu của công ty, tất cả các thành viên hay tất cả các cổ đông. Điều này cũng đã được pháp luật khẳng định tại Khoản 6, Điều 208 Luật Doanh nghiệp:

Sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.”

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp giải thể, đồng nghĩa với việc tư cách pháp nhân của doanh nghiệp không còn tồn tại. Như vậy, việc thu nợ sẽ không thể thực hiện được nếu lấy tư cách của doanh nghiệp. Lúc này, về mặt pháp lý, quyền đối với nợ phải thu (tài sản) hoàn toàn không bị mất đi mà các thành viên, cổ đông công ty vẫn được bảo lưu quyền đối với khoản nợ phải thu (tài sản) đó. Qua đó thấy rằng, doanh nghiệp khi giải thể vẫn có khả năng thu hồi đối với các khoản nợ chưa thu hồi hoặc chưa đến hạn thu hồi.

  1. Các hình thức thu hồi nợ khi Doanh nghiệp giải thể

Điều 365 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Chuyển giao quyền yêu cầu:

“1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận.

2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ”.

Điều 450 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Mua bán quyền tài sản:

“1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.

2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.

3. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định”.

Căn cứ quy định tại Điều 365 BLDS, “bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ – doanh nghiệp có nợ phải thu” có thể chuyển giao “quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ” cho “người thế quyền” theo thỏa thuận. Như vậy, doanh nghiệp có các khoản nợ chưa thu hồi có thể chuyển giao quyền thu hồi nợ cho người thế quyền phù hợp trước khi quyết định giải thể. Dưới góc độ pháp lý, quyền đòi nợ được xem là quyền tài sản, và hoàn toàn được phép mua bán. Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 450 BLDS, khi thực hiện việc mua bán quyền đòi nợ, doanh nghiệp bán quyền tiến hành chuyển hồ sơ và làm thủ tục chuyển quyền cho người thế quyền – tức bên mua nợ. Bên mua nợ lúc này có thể là cá nhân (thành viên công ty); cá nhân khác hoặc tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp.

Việc chuyển giao quyền giữa doanh nghiệp và bên mua nợ không cần sự đồng ý của người mắc nợ, do đó, bên mua nợ sẽ thay mặt doanh nghiệp xử lý các công việc pháp lý liên quan để thu hồi các khoản nợ từ người mắc nợ. Tuy nhiên, bên bán nợ cũng cần cân nhắc về việc chuyển giao quyền đòi nợ cho cá nhân là thành viên công ty hay tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp: Đối với bên mua nợ là thành viên công ty, khi thu hồi được khoản nợ, các thành viên công ty sẽ được hưởng toàn bộ giá trị công nợ thu hồi; tuy nhiên, việc quá nhiều thành viên cùng đi đòi nợ cho một khoản nợ, hoặc các thành viên ủy quyền cho một cá nhân đi thu hồi nợ sẽ phải đối diện với nhiều vướng mắc khi làm việc với khách nợ cũng như cơ quan nhà nước như tòa án, viện kiểm sát… Còn đối với bên mua nợ là tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp, có thể, các thành viên công ty sẽ phải chi trả một khoản phí cho tổ chức mua bán nợ, tuy nhiên, với sự chuyên nghiệp và quy trình làm việc bài bản tuân thủ đúng quy định pháp luật, tổ chức mua bán nợ sẽ là sự lựa chọn tốt khi doanh nghiệp đã tốn quá nhiều công sức, tiền của trong việc thu các khoản nợ khó đòi.

III. KẾT LUẬN

Khi doanh nghiệp đã giải thể mà vẫn còn các khoản nợ chưa thu hồi hoặc chưa đến hạn thu hồi thì vẫn có thể chuyển quyền yêu cầu cho người thế quyền thông qua hợp đồng mua bán nợ.

Trên đây là tư vấn của PP-MBN về vấn đề “Xử lý các khoản nợ chưa thu hồi của doanh nghiệp đã giải thể”. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về vấn đề thu hồi nợ qua tổ chức mua bán nợ, bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua email, số điện thoại hoặc đến trực tiếp PP-MBN để được tư vấn bởi đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp.

===================

CÔNG TY CỔ PHẦN MUA BÁN NỢ PP-MBN

Trụ sở chính: 21 Trương Văn Đa, Liên Chiểu, Đà Nẵng

VP giao dịch: Tầng 6 Tòa nhà Thành Lợi, số 249 Nguyễn Văn Linh, Thanh Khê, Đà Nẵng

SĐT: 02363 822678 – 0901 955 099

Email: pp.muabanno@gmail.com

Liên hệ
Contact Me on Zalo